Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018

Dennis Bergkamp: "Sự tĩnh lặng và Tốc độ: Câu chuyện của tôi" - Chương 4 - Phần 3


Chương 4: INTERMEZZO
III. Sự thật của tôi

Ok, DENNIS. ĐÓ là những sự thực của người khác. Vậy còn của anh thì sao?

Dennis: “Well, tôi nghĩ, rất nhiều những lời của Bergomi và Ferri thực sự tuyệt. Và Bagnoli…, thật không thể tin được, bởi lẽ ông ấy chẳng nói được điều gì thú vị cả, trong khi tôi thì nghĩ ngược lại cơ đấy! Ý tôi là, sao một người ở vị trí của ông ấy lại chẳng có gì để nói cơ chứ?”

Có thể là do ngại chăng?

“Nhút nhát không có nghĩa là bạn không có ý kiến nào cả. Là một huấn luyện viên, bạn phải đứng lên cáng đáng một điều gì chứ. Có lẽ điều đó cho thấy ông ấy không đóng vai trò quan trọng ở Inter. Có lẽ tự điều đó đã sáng tỏ. Cứ như thể ông ấy chẳng có tí quyền lực nào, không triết lý, không nhận thức về phong cách chơi bóng, cũng chẳng có ghi nhớ hay kế hoạch nào cho tôi cả.”

Nhưng Bagnoli là một người Milan tử tế kiểu-cũ từ những năm 1950, ông rất được kính trọng. Và ai cũng quý mến ông ấy. Họ yêu thích cái điều rằng ông ấy đã giành được Scudetto cùng với một Verona nhỏ bé vài năm trước đó.

“Không nghi ngờ gì. Tôi còn nhớ ấn tượng ban đầu của mình về ông ấy. Mà những ấn tượng ban đầu của tôi thì lại khá là tốt đấy. Và khi tôi gặp ông ấy, ngay lập tức nghĩ: ‘Mình có sự tôn trọng dành cho thầy’. Chắc chắn là ông ấy đã rất tuyệt với Verona, và ông ấy để đội bóng chơi với một phong cách nhất định. Ok, tôi lại không thấy điều đó ở Inter, nhưng tôi hiểu tất cả những điều đó về ông ấy. Và ông ấy là một người tử tế, ông chẳng làm hại một ai cả. Có thể ông ấy không giúp cho các cầu thủ tốt lên, nhưng cũng không gây hấn với họ. Giống như Tommaso [Pelizzari] nói đó, ông chỉ việc ở đó. Tôi nghĩ có lẽ nửa năm giữa chúng tôi là chưa đủ. Ông ấy cũng nói điều tương tự về tôi. Nhưng nếu anh đã hỏi ông ấy rằng: ‘Ông có phải chơi pressing không?’ hoặc ‘Pellegrini có nói gì với ông không?’ và ông ấy trả lời là: ‘Không’ hoặc ‘Tôi chẳng thể nhớ được’ - ừm, tôi nghĩ điều đó giúp sáng tỏ nhiều thứ. Đó [làm huấn luyện viên trưởng tại Inter] có lẽ là công việc lớn nhất mà ông ấy có thể có được. Vì thế tôi nghĩ ông ấy phải biết rõ đến từng chi tiết chứ.”

“À mà, tôi thích những gì Tommaso nói trước đó về ‘cuộc chiến tôn giáo’. Hồi đó tôi chẳng thể hiểu rõ như vậy, còn anh ấy thì lại biết chính xác. Câu hỏi đặt ra là: Inter có muốn thay đổi không? Tôi không nghĩ vậy. Cái cách mà Bergomi và Ferri nói thật tuyệt, nhưng anh cũng có thể thấy là họ chẳng muốn thay đổi. Bây giờ thì họ nói điều đó sẽ là một ý tưởng tốt, nhưng lúc bấy giờ tôi nghĩ họ coi sự thay đổi như là sự đe dọa vậy. Nếu chúng tôi chơi với thêm một tiền đạo hoặc một người dưới hàng tiền vệ, điều đó chẳng phải đồng nghĩa với việc chơi với ít hơn một hậu vệ hay sao? Có lẽ vậy. Họ không hào hứng với việc đó. Và những gì Ferri nói về việc ‘không có một kế hoạch nào’… thực sự là điểm cốt lõi. Tommaso cũng đồng tình với anh ấy. Vâng, tôi nghĩ đó chính là vấn đề đấy!”

“Phải nói rằng tôi khá cảm kích khi Bergomi nói về màn trình diễn đỉnh cao (i) của tôi ở UEFA Cup, khi mà tôi ghi được khá nhiều bàn thắng. [Những lời nói đó] xuất phát từ một cầu thủ Ý dày dạn kinh nghiệm như anh ấy, điều đó ắt hẳn phải có sức nặng. Và anh ấy cũng khẳng định những gì tôi nói về Bianchi, rằng ông ta chẳng phải là người tốt. Nhưng khi anh ấy nói về sự khác biệt giữa Anh và Ý, nó lại gợi tôi nhớ về những gì Arsene [Wenger] nói về việc cầu thủ nên phục vụ trò chơi [bóng đá] ra làm sao. Lúc đó tôi cảm thấy, và hiện giờ đôi lúc vẫn thấy vậy, ở Ý người ta coi bóng đá Serie A! Họ nghĩ, giải đấu và các cầu thủ của họ  bóng đá và tất cả mọi người phải phục vụ. Dần dà họ cũng phải thay đổi theo thời gian, giống như với Sacchi vậy. Nhưng về cơ bản, bóng đá Ý vẫn chưa hề thay đổi sau suốt bao năm qua, và đó là vấn đề của họ.”

“Theo một Phương diện nào đó, Inter trông giống như Arsenal. Cả hai đội bóng đều có hàng thủ già dặn, vững chắc, và cả hai đều đang đứng trên mép tường của sự đổi mới. Nhưng bạn cần phải có những cá nhân mạnh mẽ ở trong câu lạc bộ cùng với sự ủng hộ của truyền thông. Ở Arsenal, các cầu thủ giàu kinh nghiệm sẵn sàng cố gắng thay đổi. Họ tò mò muốn biết tôi có thể đem về những gì cho đội bóng. [Phó Chủ tịch] David Dein đã sẵn sàng, Wenger đến và vâng, sau đó thì tôi đã có thể tạo ra sự khác biệt với sự giúp sức của các cầu thủ chất lượng. Ở Inter, mọi người chỉ đứng đó là nhìn về phía tôi. Và mời tôi đi ăn tối chẳng mang lại điều gì cả!”

“Tôi thấy rất thú vị về anh chàng ghét thứ bóng đá của Barcelona và thậm chí chỉ muốn đội mình ghi được một bàn thắng rồi phòng ngự. Tôi không nghĩ đó là một câu chuyện đùa. Tôi nghĩ ở Ý có rất nhiều người nghĩ theo cách đó. Bagnoli nói ‘tích, tắc, tích, tắc’ vì ông ấy nghĩ chuyền bóng kiểu vậy là nhàm chán. Tôi thì nghĩ: ‘Ông đang xem cái gì vậy chứ?’ Họ cũng đã xem, nhưng họ không thích thứ bóng đá ấy. Nếu đó là những gì họ cảm thấy thì bạn chẳng thể làm gì khác cả. Chấm hết. Đó là lập trường của họ. Cũng chẳng phải tất cả người Ý đều nghĩ như thế. Nhưng nói chung, các cầu thủ Ý hạnh phúc với những việc họ vẫn đang làm. Và họ vẫn cứ sẽ luôn luôn tiến đến những trận chung kết. Họ vẫn cứ sẽ gặt hái danh hiệu, bởi vì họ có đủ tài năng. Bóng đá là văn hóa của họ. Bóng đá là bản chất của họ. Họ làm điều đó rất tốt.”

Giống như món ăn Ý ấy hả? Ở London, Armsterdam hay thậm chí Paris, người ta có thể vào siêu thị mua hàng tá món ăn từ khắp nơi trên thế giới. Còn ở trong một siêu thị ở Ý, người ta chỉ có thể mua được các món ăn từ khắp nơi ở… Ý mà thôi.

“Họ không muốn thay đổi. Họ thích món ăn của mình. Món Ý rất tuyệt. Và họ thích thứ bóng đá của mình. Sao họ phải thay đổi cơ chứ? ‘Thay đổi’ không có trong gien của họ. Bạn sẽ chẳng bao giờ nghe được mọi người nói kiểu như: ‘Ồ, giờ tôi thích xem bóng đá Ý quá! Họ đã có những bước tiến lớn.’ Việc đó không xảy ra. Ở Anh, việc đó đã xảy đến với Premier League. Ở Tây Ban Nha cũng vậy, tất nhiên. Đức nữa. Còn ở Hà Lan thì bóng đá phát triển suốt. Đó là bản chất của bóng đá Hà Lan: luôn luôn thay đổi. Bóng đá Hà Lan hiện giờ khác với thời của Michels. Cruyff khác, mà Van Gaal cũng khác. Bóng đá Hà Lan luôn luôn tiến hóa, và tôi nghĩ đó là một điều tốt đẹp. Trong bóng đá, bạn phải luôn tiến hóa, bạn phải sáng tạo ra những thứ mới lạ. Ở Ý, họ thà gắn bó với những thứ cũ kỹ, còn hơn phải… Ý tôi là, hãy nhìn vào những điều xảy đến với Sacchi. Giai đoạn Sacchi quãng 4-5 năm gì đó. ‘Ồ, wow, thật tuyệt’… và rồi bất thình lình mọi thứ lại trở về như cũ. Việc đó không kéo dài lâu. Bianchi thử thay đổi trong vài trận giao hữu đầu mùa giải, và boom!, mọi thứ lại đâu hoàn đấy. Anh đã đề cập rằng họ đã cố gắng một vài lần nhưng họ không hề thoải mái với điều đó, trong khi đó ở Hà Lan, chúng tôi lại không thoải mái với phong cách bóng đá bảo thủ. ‘Chúng tôi đã luôn luôn làm thế, và chúng tôi sẽ tiếp tục như vậy…’ Không, chúng tôi luôn muốn phát triển.”

“Và một điểm nữa khiến tôi thực sự lăn tăn, đó là cái cách họ nói về việc tôi không tỏ ra hòa hợp. Điều đó rất, rất lạ! Ferri nói rằng tôi không phóng khoáng. Well, tôi chơi cặp với một số ít các tiền đạo và ai cũng khác ai cả, và tôi đều có thể kết hợp với tất cả bọn họ, vậy là… không phóng khoáng ư? Tôi đủ phóng khoáng để đến với một đất nước khác lạ…”

Họ thừa nhận rằng anh có vấn đề với Ruben Sosa?

“Đúng vậy, nhưng thậm chí là với anh ấy, đó cũng không phải là một sự yêu-ghét. Giống như là: ‘Trời ạ, anh bạn, phải nhìn xung quanh mình chứ! Tôi cũng có mặt ở đó mà.’ Anh ấy là cầu thủ duy nhất mà tôi nghĩ rằng: ‘Tôi không thể giúp anh giỏi hơn, và anh cũng chẳng giúp tôi tốt hơn, và anh thì chẳng giúp đỡ đội bóng nữa.’

Anh có thử cố gắng nói với anh ấy về chuyện này không?

“Không, bởi vì, hãy nhớ rằng bấy giờ tôi 24 tuổi. Sự nghiệp của tôi mới vừa bắt đầu. Giai đoạn ở Hà Lan thật tuyệt vời, nhưng tôi mới đang chỉ vào số 2 hay số 3 mà thôi, tôi vẫn còn đang dò dẫm tìm đường. Tất nhiên tôi cố hết sức mình. Và rồi, bang!, mọi người kỳ vọng bạn phải hòa hợp ngay lập tức với Inter và dẫn đường cho đội bóng với những anh chàng như Bergomi, những người đã có sự nghiệp của riêng mình! ‘Ok, giờ anh là đầu tàu nhé!’

Họ có nói như thế không?

“Không, nhưng giờ nó thể hiện qua cách họ nói đấy. Và hãy xem những chỉ trích của họ mà xem: ‘Anh ta lẽ ra phải là người lãnh đạo, nhưng không, bởi vì anh ta không mời chúng tôi ăn tối! Anh ta không hát hò với chúng tôi!’ Ý tôi là… come on! Bạn đang phải thích nghi với văn hóa mới, và mọi người kỳ vọng bạn trở thành đầu tàu ngay lập tức ư?”

Nếu anh biết sự việc sẽ tiến triển như vậy… Nếu Bergomi nói: ‘Quên Hà Lan đi, đây là vấn đề nghiêm túc đấy, và chúng tôi mong đợi điều này…’  Anh có bao giờ có được cuộc trò chuyện kiểu như vậy không?

“Thực tế thì có. Một lần duy nhất. Trong mùa giải đầu tiên của tôi. Chúng tôi đang trên máy bay – khi đó tôi vẫn ổn với việc đó – và đó là một cuộc trò chuyện rất tốt. Tôi nghĩ là Davide Fontolan cũng có mặt ở đó. Anh ấy là một anh chàng tốt. Một cá tính mạnh mẽ, lại cũng vui tính nữa. Massimo Bergomi và Antonia Paganin cũng ở đó luôn. Và Ferri, và Wim Jonk nữa. Vài người thì ngồi cạnh tôi, một số khác thì vươn người xuống thì ghế trước và chúng tôi trò chuyện, bằng tiếng Anh và tiếng Ý (là chủ yếu) về những điều chúng tôi mong đợi. Lần đầu tiên, tôi tự nhủ: ‘Ồ, chờ chút xem nào, mình đang là một phần của tập thể.’ Mọi người mở đầu, nói: ‘Hãy cố một chút khác xem sao nhé? Chạy thêm tí nữa. Cứ bắt đầu bằng việc đó đã. Chúng tôi không mong anh ghi ba bàn trong một trận, nhưng hãy bỏ thêm ít sức ra.’ Tôi thì vẫn còn trong trạng thái như khi ở Ajax. Tôi cứ nghĩ rằng vai trò của mình là tạo ra sự khác biệt. Hãy đưa quả bóng cho tôi, và tôi sẽ tạo nên sự khác biệt. Nhưng họ đã nói cái điều mà sau này tôi đã mang sang Anh: ‘trước tiên hãy làm việc với 100% sức lực rồi hẵng tính đến bóng đá’. Đó là một cách tư duy rất khác.
Ở Ajax tôi có thể bỏ mỡ một cơ hội nhưng chẳng vấn đề gì cả vì tôi sẽ có được cơ hội thứ hai, thứ ba, thứ tư. Đội bóng được tổ chức rất tốt và các phương án tiếp cận cũng được hiểu thấu đáo. Trên sân bóng, chúng tôi biết các cầu thủ chạy cánh ở đâu, các tiền vệ nữa. Ai cũng biết việc mình phải làm. Nhưng ở Inter, tôi nhìn vào danh sách ra sân và chẳng hiểu điều gì hết! Đó có phải là 4-4-2 không? Hay là 4-5-1 vậy? Hay 4-3-3 nhỉ? Nó không rõ ràng đối với tôi. Và chẳng ai buồn giải thích cho tôi cơ! Và nếu tôi không biết, làm sao tôi có thể dẫn dắt cơ chứ? ‘Oh, chúng ta sẽ theo bước anh ấy.’ Nhưng tôi thì đang làm cái gì nhỉ? Tôi đang bắt cặp với Ruben Sosa, và trận nào cũng vậy, chúng tôi phải đấu với 5 hậu vệ đối phương. Đôi lúc thì một trong số các tiền vệ của chúng tôi cũng có lên tham gia tấn công. Tuyệt! Giờ thì chúng tôi có 3 người phía trên rồi, nhưng tôi sẽ chạy chỗ như thế nào? Phòng tuyến của tôi ở đâu? Tôi sẽ làm gì với tiền đạo còn lại? Nếu tôi chẳng có mối liên hệ nào... Trong tất cả các đội bóng khác mà tôi chơi, khi tôi chạy chỗ, tôi đều biết đối tác của mình sẽ phản ứng ra sao. Nhưng ở đây...”

Vậy là không chỉ là vấn đề với riêng Sosa?

“Là với cả đội bóng ấy! Hoặc là hệ thống chiến thuật giúp mình, hoặc là các cầu thủ khác giúp mình, hoặc một huấn luyện viên sẽ nói bạn phải chơi thế nào. Nhưng tôi thì chẳng có được cái gì như thế cả, nên cứ tự nhủ: ‘Ok, chúng ta sắp thi đấu.’ Và tôi có các đối tác trên hàng công, có thể là Pancev, hay Schillaci hoặc Sosa và tôi sẽ điều chỉnh lối chơi của mình để phù hợp với đối tác, bởi vì tính cách của tôi là như vậy. Nhưng tôi sẽ điều chỉnh như thế nào đây? Nếu anh ta có bóng, tôi sẽ chạy chỗ, và liệu tôi sẽ nhận được bóng chứ? Có thể là không, nếu đó là Sosa.”

Ferri nói rằng, ý tưởng duy nhất của Sosa – và anh ta khá giỏi trong việc đó – là nhận bóng, ngoặt bóng, rê dắt và sút.

“Và tôi chẳng thể đổ lỗi cho anh ta. Là một cá nhân, anh ấy chẳng phải là một gã tồi, nhưng là một cầu thủ, tôi nghĩ: ‘Chờ đã, ông đang giết chết đội bóng đấy!’ Nhưng có lẽ anh ấy cũng chả biết được điều gì khác cả.”

Anh ta ghi được 20 bàn mùa giải trước đó đấy.

“Đúng vậy. Tôi là ai mà có thể chỉ trích kia chứ? Nhưng tôi đến từ một nơi mà mọi thứ được dựa trên hệ thống và phương pháp, và dựa trên thứ bóng đá tấn công... Tôi thì đang điều chỉnh, còn họ thì muốn tôi phải là người dẫn dắt! Dẫn dắt ở đâu? Và bằng cách nào?
Ở Ý người ta coi Bagnoli là một “huấn luyện viên tấn công”, nhưng khi ông ấy giải thích các ý tưởng tấn công của mình, anh sẽ thấy nó rất khác so với của tôi. Ông ấy nói chỉ cần 2 hay 3 đường chuyền, rồi là cú sút cầu môn. Đó không phải là bóng đá tấn công, mà là bóng đá phản công. Nó luôn luôn là: ‘Trước tiên phòng ngự thật chắc, đoạt lại bóng, rồi cứ thế.’ Nếu anh hỏi bất cứ anh chàng Hà Lan nào về bóng đá tấn công, câu trả lời nhận được sẽ là: ‘Áp đảo, chơi bóng trên nửa sân của đối phương.’ Đó hoàn toàn là những thứ khác nhau. Không có ai nói với tôi cả. Không có ai nói cho tôi cả! Vì thế khi tôi ký hợp đồng, Pellegrini và Piero Boschi [Tổng Giám đốc Inter] có nói: ‘Ừ, ừ, chúng ta sẽ thay đổi điều này. Chúng ta sẽ chơi tấn công, chúng ta muốn chơi pressing.’ Chắc là họ có khái niệm về pressing khác.”

Nhưng họ đã được xem Milan của Sacchi chơi bóng. Và anh cũng vậy. Chẳng phải là Louis van Gaal đã đưa các anh đến Barcelona xem họ đánh bại Steaua Bucharest trong trận chung kết cúp C1 châu Âu năm 1989 đó sao? Đó được coi như là một trong những màn trình diễn ấn tượng nhất. Anh rút ra được điều gì từ trận đấu đó?

“Vâng, chúng tôi ngồi phía sau khung thành với các cổ động viên Milan. Và chúng tôi là fan của Milan, trong đêm đó. Và bạn nhận ra nó, nhận ra bóng đá. ‘Oh yeah, mình biết nó sẽ được chơi như nào và tại sao...’ Có Marco ở giữa và Ruud Gullit điều phối bóng từ phần sân nhà, chủ yếu chếch sang phía cánh phải. Và Rijkaard ở khu trung tuyến, kiểm soát hàng tiền vệ cùng với một cầu thủ khác, đá lệch trái, tôi nghĩ đó là Donadoni. Vậy là có 3 tiền đạo và một tiền vệ sẵn sàng dâng cao. Hey! Tôi biết điều này...”

Anh đang đề cập đến Bóng đá Tổng lực Hà Lan, nhưng là với một gia vị Ý? Giống như Barcelona vĩ đại của Guardiola với gia vị Tây Ban Nha-Catalan, và Arsenal cũng thế, với gia vị Anh-Pháp?

“Đúng vậy. Những điều mà Tommaso nói về Barasi và các hậu vệ đã thay đổi như thế nào khi Sacchi xuất hiện cũng hết sức thú vị. Ban đầu không thoải mái, rồi sau đó Sacchi đã dạy họ, rồi thì Berlusconi đến và nói: ‘Tôi không quan tâm các anh nghĩ gì, đây sẽ là điều chúng ta sẽ làm.’ Pellegrini thì không bao giờ làm như thế. Sẽ rất khó để chỉ ra sự khác biệt giữa Milan và Cruyff, hoặc giữa bóng đá Ý và bóng đá Anh, nhưng khi nghĩ đến Cruyff, điều mà ông ấy luôn luôn nói là: ‘Tất cả là về khoảng cách vị trí.’ Đó là khoảng cách giữa các cầu thủ. Sacchi đã từng huấn luyện cầu thủ với các đoạn dây thừng và chơi bóng ảo (ii), 11 người đá với 0 của đối phương. Chúng tôi cũng luyện tập như thế với Arsene [Wenger]. Tất cả là về khoảng cách vị trí. Bạn học được rằng khi cầu thủ chạy cánh trái bên mình dâng cao tấn công, thì hậu vệ cánh phải cũng phải di chuyển. Nếu tất cả các cầu thủ được dính với nhau bằng các sợi dây thừng 20 mét, nó sẽ giống như một cái khung hay một cái lưới được di chuyển cùng một lúc trên sân vậy. Người này di chuyển ra kia, người kia sẽ tự động lấp chỗ trống, cả đội di chuyển lên, rồi xuống... Khi một người chạy chỗ, thì toàn đội đang ở vị trí của mình, cũng chạy chỗ theo. Một người chạy sang trái, cả đội cùng sang trái. Cơ sở của việc đó là giữ được khoảng cách vị trí thật chính xác. Nếu tôi ở gần vòng cấm địa đối phương, khi ngoảnh lại sẽ thấy Tony và Bouldy (iv) ở vạch giữa sân rồi. Khoảng trống là rất nhỏ, chắc là 20 hay 25 mét giữa các lớp.
Nhưng ở Inter, tôi sẽ ở trên với Sosa và có thể 2 tiền vệ sẽ lên tham gia tấn công... Tôi ngoảnh lại thì các tiền vệ khác cùng với các hậu vệ sẽ ở tít phần sân nhà! Khoảng không giữa chúng tôi là rất lớn và đó là không gian chí tử! Điều đó giết chết tôi mất. Cũng giết chết đội bóng luôn, bởi khi mất bóng toàn đội sẽ mất luôn 4 cầu thủ đang tham gia tấn công, và toàn bộ số còn lại thì đang chờ đội bạn đến. Đấy, theo ý của tôi, đó không phải là pressing. Đó không phải là thứ bóng đá áp đặt giống như của Milan, Barcelona, Arsenal, bởi vì với những đội bóng này, khi bạn mất bóng, bạn sẽ phải đoạt lại nó – ngay trên phần sân đối phương – càng sớm càng tốt. Hoặc, nếu bạn không thể đoạt lại bóng trong vòng 3 hay 5 giây, bạn sẽ phải di chuyển về đúng vị trí và làm những điều đã được tập luyện: tạo lập khoảng cách vị trí chính xác giữa các cầu thủ. Khi tấn công, khoảng cách có thể trung bình là 25 mét. Khi phòng ngự, nó sẽ ngắn hơn, cỡ khoảng 10 hay 15 mét. Điều đó là rất quan trọng. Ở Inter tôi luôn nghĩ: ‘Mình đang ở trên một hoang đảo!’ Sao tôi có thể truyền đạt tất cả những thứ đó khi mà mới 24 tuổi cơ chứ? Pellegrini thì rõ ràng không hiểu điều này rồi. Và chẳng có ai nói với Bagnoli cả. Ông ấy là người lẽ ra phải dạy chúng tôi trong tập luyện mà! Nếu họ thậm chí còn không nói với ông ấy... thì không hy vọng gì!”

Wim Jonk có nói rằng trong mùa giải thứ hai, Bianchi đã cố chơi pressing. Sau hai trận, kết quả là: ‘Thôi đủ! Không hiệu quả. Quay trở lại với phòng ngự!’

“Vâng, tôi nghĩ là Bianchi có nhiều quyền hành hơn, nhiều triết lý kiểu ‘Ồ, mình sẽ thử chơi kiểu này’ hơn.”

Nhưng anh không hề đưa đẩy vấn đề đó với Bagnoli?

“Thật khó để giải thích tại sao. Chúng tôi vừa mới cưới, lúc đó đang hưởng tuần trăng mật kéo dài. Một ngôi nhà mới. Một chiếc xe mới thay vì chiếc xe đi thuê. Tôi thì đang cố gắng điều chỉnh với một đất nước mới... Tôi có hàng trăm thứ mới trong cuộc sống cá nhân. Và gấp đôi như thế trong cuộc sống bóng đá! Tôi chưa sẵn sàng. Tôi vẫn đang nghĩ, ok mình là một cầu thủ giỏi, nhưng mình vẫn đang học hỏi. Khi chuyển đến Inter tôi cứ nghĩ rằng mình sẽ chuyển đến một đội bóng với nhiều cầu thủ giàu kinh nghiệm, đội bóng sẽ cho mình một nền tảng tốt và mình có thể đóng góp sức mình. Đó là điều sau này khi tôi chuyển đến Arsenal. Inter có nhiều cầu thủ kinh nghiệm, nhưng họ sẽ không hoặc không thể thay đổi, thử nghiệm cái mới. Khi chuyển đến Arsenal, mọi việc đã khác, giống như điều tôi hằng muốn: các cầu thủ giàu kinh nghiệm với tư duy mở, sẵn sàng theo bước tôi...”

Ý niệm về một cầu thủ giỏi của Inter khác biệt so với của anh, phải vậy không? Họ tư duy theo cách truyền thống: công việc của một tiền đạo là tạo ra điều gì đó từ chỗ không có gì. Hãy cứ đưa bóng cho anh ta và anh ta sẽ ghi bàn theo một cách nào đó. Ta không chắc là bằng cách nào, nhưng anh ta sẽ tìm được cách, đó là công việc của anh ta.

“Phần lớn là như vậy, và tôi luôn nói với họ rằng điều họ muốn ở tôi là sự điều chỉnh. Tôi sẽ nói: ‘Các anh có một cầu thủ giỏi, ai cũng đồng ý điều đó, nhưng các anh sẽ sử dụng tài năng đó như nào?’ Đó cũng là điều tôi đang làm trên cương vị một huấn luyện viên. Tôi nghĩ: ‘Làm sao mình có thể lôi ra được phẩm chất tốt nhất của cầu thủ đó?’ Điều đó không chỉ có nghĩa rằng anh ta phải hòa nhập với các cầu thủ khác. Các cầu thủ khác cũng phải hòa nhập với anh ta. Trong chiến dịch UEFA Cup năm đó, Bergomi đã nói điều này và tôi đã ghi 8 bàn thắng. Tôi là một cầu thủ tuyệt vời. Vì thế lẽ ra ông ấy phải tư duy: ‘Những điều cậu ta làm thật khác biệt. Mình có thể giúp cậu ấy không?’ Giúp đỡ không phải kiểu như: ‘Mình có ý này – mình sẽ đưa cậu ta đi ăn tối!’ Tôi tin rằng đó chính là điểm yếu của họ. ‘Chúng ta không thực sự biết đó là gì, vì thế chúng ta sẽ đổ lỗi cho cậu ấy, bởi vì cậu ấy không hòa đồng.’”

Anh cũng không quan hệ xã giao nhiều ở Arsenal kia mà.

“Đúng thế. Nhưng điều đó có xảy ra trong bóng đá? Bạn đi chơi với những cầu thủ bạn cảm thấy thoải mái. Tôi sẽ không đi ăn tối ở ngoài vì điều đó có thể giúp ích cho sự nghiệp bóng đá của mình. Không! Tôi sẽ đi ăn tối ở ngoài với mọi người trong cuộc sống riêng tư của mình, bởi vì tôi thích điều đó. Và vào thời điểm đó, trong mùa giải đầu tiên của tôi, nói cách này hay cách khác, tôi không thể nói Ferri là kiểu bạn bè cần thiết của tôi. Vậy, chúng tôi có ra ngoài với nhau không? Không, tôi gắn bó với Wim vì mình đã biết rõ anh ấy. Tôi thực sự không hiểu ý tưởng đó sẽ giải quyết các vấn đề về bóng đá. Tôi biết ý tưởng về một đội bóng mà các cầu thủ là bạn bè với nhau sẽ là một đội bóng thành công. Nhưng điều đó không đúng. Ở Arsenal, bạn gắn bó với nhiều cầu thủ hơn. Nhưng thôi nào, ở Inter bạn phải tập trung vào bóng đá trước tiên – đó là vấn đề đấy! Và đó là một vấn đề sâu xa, một vấn đề thuộc nhiều triết lý khác nhau. Hãy nhìn vào cách họ huấn luyện thủ môn. Họ huấn luyện rất chăm chỉ, nhưng tách biệt. Sau đó lại nhập vào với toàn đội. Tôi cần tập sút, nhưng các thủ môn thì mệt đến nỗi họ chỉ cố gắng bắt một trong bốn cú sút mà thôi. Thật chẳng ích gì cho tôi cả! Ở Hà Lan, ý tưởng là: ghi càng nhiều bàn càng tốt, làm mọi thứ để giúp việc tấn công tốt hơn. Ở Ý, điều quan trọng nhất là thủ môn. Nếu anh ta giữ sạch lưới, đội bóng không thua. Đối với tôi, đôi lúc tôi rất khó chịu với điều đó. Tôi nghĩ, trời ạ, mình muốn tập dứt điểm, mà thủ môn thì lại chẳng cố gắng. Làm sao mình có thể nâng cao kỹ năng sút bóng đây? Rồi họ nói: ‘Yeah, nhưng thôi nào, cậu ấy đã làm việc chăm chỉ cả ngày rồi.’”

Tôi đồ rằng chính vì ý nghĩ như vậy nên họ coi tiền đạo là một dạng cầu thủ chơi theo chủ nghĩa cá nhân. Ferri nói rất cứng rằng anh không phải là Ronaldo. Họ muốn anh phải giống như anh ấy. Khi Van der Sar đến Juventus, anh ấy phải dừng cách chơi theo phong cách một thủ môn Hà Lan. Họ buộc anh ấy phải bám lấy khu vực của mình như một thủ môn Ý. Anh ấy đã làm theo cách đó và sau đó cảm thấy bản thân đã phản bội chính những nguyên tắc của mình. Anh ấy cảm thấy lẽ ra nên nói: ‘Thực tế là tôi sẽ không làm theo cách đó, tôi nghĩ cách của tôi tốt hơn.’ Anh ấy phải đến Anh, với Fulham để tìm lại mình. Sau khi anh rời đi, Ronaldo đến. Anh ấy vui vẻ chơi thứ bóng đá catenaccio trong vai trò tiền đạo cắm duy nhất. Anh ấy hòa nhập và được yêu mến vì lẽ đó. Anh thì không. Anh đã có thể cố gắng mang chất Ý một chút, như Ronaldo, trở thành một cầu thủ dắt bóng. Anh đã có thể nghĩ về nó như là bổ sung thêm một số kỹ năng. Nhưng dường như anh cảm thấy điều đó lại là mất đi thứ gì đó, không phát triển kỹ năng của mình, hoặc không hoàn thành định mệnh của mình. Anh nghĩ sao?

“Tôi cần các cầu thủ khác xung quanh. Đó là khi tôi trở thành một cầu thủ giỏi, bởi vì tôi cần họ để có thể thể hiện giống như tôi vẫn thể hiện, và tôi cần họ thực hiện những pha chạy chỗ cho tôi. Tôi có học hỏi từ bóng đá Ý. Ở quê nhà, bóng đá mang tính giải trí nhiều hơn: ‘Ồ, hãy xem mình giỏi như nào, mình có thể làm điều này… thậm chí điều này nữa!’ Còn ở Ý, bóng đá giống như công việc hơn. Bạn có một cơ hội, và bạn phải chắc chắn ghi bàn. Tôi học được rất nhiều ở đó. Tôi học được bóng đá chuyên nghiệp là thế nào. Họ tập luyện hai buổi một ngày. Anh đến sân tập lúc 9 giờ, nghỉ ngơi ban trưa và lại tiếp tục luyện tập vào buổi chiều. Trong tất cả khoảng thời gian trong ngày, bạn là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Đó là điều tôi đã học hỏi được tại đó, nhưng tôi sẽ không bao giờ làm khác đi những gì tôi giỏi. Tôi không phải một cầu thủ dắt bóng, vì thế tôi sẽ không rê dắt. Sau cuộc trò chuyện trên máy bay nọ, tôi hiểu rằng họ muốn tôi chạy nhiều hơn, làm việc chăm chỉ hơn. Không vấn đề gì. Tôi có thể làm điều đó. Tuy nhiên cũng chẳng giúp ích gì. Tôi vẫn muốn tạo ra sự khác biệt: ghi bàn, hoặc tung ra một đường chuyền đẹp mắt. Nhưng chẳng có ai xung quanh tôi cả. Tôi bực bội, còn họ chả quan tâm. Nếu tôi làm việc vì đội bóng, tạo khoảng trống, chạy chỗ, họ sẽ vui vẻ. Tôi có thể làm những việc đó, nhưng chẳng thể giúp đội bóng chiến thắng. Và cũng chẳng giúp tôi trở thành cầu thủ giỏi hơn được. Nhưng họ lại trông chờ điều đó ở tôi. OK. Tôi sẽ làm. Tôi có tư duy mở mà.”

Nhưng việc cố gắng chơi bóng theo cách của họ trên thực tế đã gây tổn hại đến anh? Anh có bị mất đi cái gì đó trong phong cách chơi của mình? Hay là đã có thêm được cái gì đó?

“Đó không phải là điểm mạnh của tôi, nhưng tôi sẵn sàng bổ sung vào trong cách chơi của mình, và sau này tôi đã được hưởng lợi. Những thứ đó giúp ích khá nhiều khi tôi chuyển đến Anh, nơi mà tôi luôn cố gắng 100% trong mỗi trận đấu. Tôi trở nên có- thiên-hướng-công-việc hơn khi mà cố gắng đoạt lại bóng, hoặc ghi bàn, hay dứt điểm, chuyền bóng. Tôi học hỏi được tinh thần: đường chuyền này phải chính xác, vì ta chỉ có một cơ hội duy nhất mà thôi. Hoặc, cú này phải ăn bàn… đấy, những thứ kiểu như vậy. Đó là những điều tôi học được ở Ý, nhưng tôi sẽ không chấp nhận việc họ biến đổi phong cách chơi của tôi thành như thế, chạy loanh quanh. Với tất cả sự tôn trọng dành cho các tiền đạo Ý, hầu hết bọn họ chứ không phải tất cả, đều phục vụ đội bóng trong hệ thống 4-4-2. Chạy chỗ, giữ bóng, chuyền bóng, xâm nhập vòng cấm. Cũng giống như một số tiền đạo người Anh, nhưng tôi chưa bao giờ coi đó là phong cách chơi bóng của mình. Nếu tôi quyết định: ‘OK, mình sẽ hòa nhập với bóng đá Ý’, tôi đã trở thành một cầu thủ kém hơn. Tôi đã có thể ở đó lâu hơn, và họ đã có thể vui vẻ với tôi hơn. Nhưng tôi sẽ chẳng thể trở thành cầu thủ mà tôi đã trở thành sau này.”

Anh vẫn giữ cách nhìn của mình chứ?

“Không. Nó giống như một cảm nhận thì hơn. Tôi cảm thấy thoải mái với những gì? Tôi nghĩ: ‘Đây không phải là mình.’ Mình muốn chơi bóng như thế nào? Ta nên tiếp cận bóng đá ra làm sao? Mình cảm thấy hạnh phúc, hay hạnh phúc hơn với cái gì? Ta có thể làm gì? Điều đó phụ thuộc vào ý muốn trở thành cầu thủ giỏi hơn của hôm nay so với hôm trước, và luôn tìm kiếm những khả năng và cơ hội. Tôi mong muốn chất lượng hơn là số lượng. Cao hơn và cao hơn nữa. OK, tôi có thể chơi bóng trong vòng 20 năm với một mật độ nhất định. Nếu tôi chỉ làm những thứ họ mong muốn, tôi sẽ được ghi nhận, nhưng tôi sẽ trở thành một trong… rất nhiều người khác. Trong thâm tâm, tôi muốn mình khác biệt. Đó là lý do tại sao tôi chọn Inter thay vì nhiều đội bóng khác. Các đội bóng khác sẽ dễ dàng hơn. Tôi không muốn dễ dàng. Ở Milan, họ sẽ hiểu tôi ngay lập tức. Tôi đã có thể theo bước Marco, nhưng tôi sẽ không tạo dựng tên tuổi của riêng mình. Tôi không muốn là người bước sau. Tôi không muốn trở thành ‘Van Basten mới’ hay ‘một cầu thủ mới của Cruyff’ ở Barcelona. Tôi muốn đi con đường của riêng mình. Về cơ bản, tôi muốn trở thành Dennis Bergkamp.”

===
(i)                 Nguyên văn tiếng Ý: grande prestazione.
(ii)               Nguyên văn tiếng Anh: shadow playing.

Thứ Hai, 24 tháng 3, 2014

Dennis Bergkamp: "Sự Tĩnh lặng và Tốc độ: Câu chuyện của tôi" - Chương 4 - Phần II

Chương 4: INTERMEZZO
II. Sự thật của người ta

Osvaldo Bagnoli (i), huấn luyện viên của Dennis trong mùa giải đầu tiên ở Inter, nay đã 78 tuổi và đang sống ở Verona. Ông khá khó hiểu khi Dennis muốn lắng nghe quan điểm của mình. "Thật ngạc nhiên khi cậu ấy vẫn nhớ đến tôi. Chúng tôi chỉ làm việc cùng nhau không đến một năm."

Ông nhớ gì về Dennis Bergkamp?

Bagnoli: "Ồ, một bravo ragazzo (ii)! Một chàng trai tốt, người có lẽ không tìm ra con đường của mình ở Milan và đó có lẽ là lí do tại sao cậu ấy đã không chơi bóng với trình độ của mình."

Không thể tìm ra con đường trong bóng đá hay trong văn hoá?

"Tôi nghĩ ngay bản thân cậu ấy cũng không thể trả lời câu hỏi này vì điều đó rất khó nói. Ví dụ, cậu ấy có vấn đề với máy bay. Cậu ấy không muốn đi máy bay. Tôi cũng thế. Tôi cũng không thích di chuyển bằng máy bay, nhưng tôi đã làm điều đó. Và bằng cách nào đó, cách của Dennis là vậy: 'Tôi không thích. Tôi không làm điều đó'."

Trước khi Dennis và Wim Jonk gia nhập câu lạc bộ, ngài Chủ tịch đã hứa với họ rằng Inter sẽ thay đổi và chơi thứ bóng đá tấn công giống như AC Milan. Ông là huấn luyện viên, chắc hẳn Pellegrini đã thảo luận trước với ông...

"Không hề. Tôi chưa từng nghe nói tới điều này và chưa từng bàn tới nó. Tôi đã từng ăn tối ở nhà ông ấy vào mỗi thứ Tư, nhưng không hề có chuyện gì như vậy cả."

Khi Pellegrini bổ nhiệm ông làm huấn luyện viên trưởng, ông ta có đề ra mục tiêu hay chỉ đạo nào kiểu như "giành scudetto" hay "chơi giống Milan" không?

"Tôi nghĩ tôi được Inter lựa chọn vì khi đó tôi 66 hay 67 tuổi gì đó và tôi có được danh tiếng của mình nhờ vào kinh nghiệm và sự bình tĩnh, vì thế tôi có thể làm việc trong môi trường của một câu lạc bộ không-danh-hiệu-trong-một-thời-gian-dài. Tôi đã giành được một scudetto với Verona và họ cho rằng tôi có thể làm việc trong môi trường khó khăn. Nhưng không ai yêu cầu tôi phải giành danh hiệu, bởi vì điều đó là rất khó khăn trong thời điểm ấy. Inter không phải là một đội bóng chiến thắng. Trong mùa bóng đầu tiên của tôi, chúng tôi đã về nhì. Nhưng ở mùa giải thứ hai, tôi bị sa thải khi mùa giải còn 12 vòng đấu nữa, và trong 12 vòng đấu cuối ấy Inter chỉ giành được có một điểm. Họ đứng trước nguy cơ tụt hạng."

Vậy là Pellegrini chưa bao giờ yêu cầu ông thay đổi phong cách chơi bóng?

"Không, chẳng có điều gì giống như vậy cả. Nhưng thỉnh thoảng vợ ông ấy yêu cầu tôi viết vài thứ ra giấy. Sau này tôi mới biết bà ta là một chuyên gia về chữ viết tay, bà ấy đã nghiên cứu tôi thông qua chữ ký của mình. Tôi nghĩ, có lẽ khả năng bị sa thải phụ thuộc vào chữ ký của mình cũng không phải là ngoại lệ! Tôi là kiểu huấn luyện viên rất trung thành với câu lạc bộ, với người thuê tôi. Cũng giống như 9 năm tôi làm việc tại Verona và Genoa. Tôi luôn có mối quan hệ tốt với mọi người trong câu lạc bộ. Và rồi chúng ta thảo luận về một cầu thủ. Cầu thủ này giỏi hơn cầu thủ kia và ngược lại? Nhưng tôi luôn chấp nhận tất cả sự lựa chọn của câu lạc bộ mà không có vấn đề gì. Trường hợp của Bergkamp, cậu ấy được câu lạc bộ lựa chọn. Tôi không biết tí gì về việc họ cố gắng mua về cậu ấy. Cậu ấy tới và tôi thấy ổn với điều đó."

Ở Verona ông được biết đến nhiền hơn như là một huấn luyện viên yêu thích bóng đá tấn công. Nhưng ở Inter ông cho đội bóng chơi thứ bóng đá phòng ngự theo phong cách Ý truyền thống. Vậy đâu mới là cách tiếp cận của ông?

"Tôi chưa từng là một huấn luyện viên lộ rõ phong cách chơi bóng của mình. Thường thì tôi hay nói với các cầu thủ: 'Các cậu muốn chơi như thế nào hơn?' Và rồi tôi sẽ cố tổ chức đội bóng sau khi đã thảo luận với họ."

Ông có hỏi Bergkamp điều đó?

"Thực sự tôi không nhớ nữa. Đã 20 năm trôi qua. Tôi nhớ là đã có vấn đề về ngôn ngữ, và tôi cũng nhớ là đã cố gắng hết mình để hiểu cách chơi của cậu ấy."

Một trong những cựu cầu thủ của ông, Riccardo Ferri, nói rằng với ông lý tưởng nhất là tiếp cận khung thành đối phương với chỉ 3 hay 4 đường chuyền? Điều đó sẽ không phù hợp với cách chơi của Dennis...

 "3 hay 4 đường chuyền? Rõ ràng đúng là thế! Tôi từng nói với các cầu thủ: 'càng ít đường chuyền càng tốt. Tôi không thích thứ bóng đá chuyền qua-lại. Tôi thậm chí còn nói với thủ môn là: nếu cậu có bóng và nhìn thấy tiền đạo đội mình đang tự do thì hãy phất bóng lên. Đẩy bóng lên trên. Nếu có thể làm thế thì cứ làm thế. Nhưng nếu không thể thì chúng tôi cũng có thể chơi bóng ngắn, chuyền bóng, giữ bóng bởi vì bạn không thể luôn luôn chỉ làm có một việc. Và những việc đó cũng dành cho Bergkamp. Với chúng tôi, cậu ấy là một số 10 trong tấn công, nhưng không có nghĩa là cậu ấy không quay lại phòng thủ."

Vậy phải chăng là Dennis đã bị cô lập ở phía trên?

"Khi tôi là cầu thủ, tôi chơi ở vị trí tiền vệ tấn công. Vì thế một trong những nguyên tắc của tôi là: sẽ thật vô dụng nếu có một tiền đạo ở trên mà toàn đội không di chuyển cùng nhau. Nếu tiền đạo của bạn chỉ có một mình phía trên, bạn sẽ luôn mất bóng."

Nhưng đó chính là những trải nghiệm của Dennis! Anh ấy luôn chỉ có một mình với một cầu thủ tấn công khác nữa, thường là Ruben Sosa, và như vậy là 2 cầu thủ tấn công chọi với 5 hậu vệ!

"Tôi không nhớ nếu cách chơi này thành công hay không theo nghĩa anh đang hỏi. Nhưng tôi khá chắc chắn rằng Dennis chắn hẳn quen với việc chơi với 2 tiền đạo ở Hà Lan."

Không. Ở Ajax trong vai trò số 10, anh ấy có 3 tiền đạo và tiền vệ khác nữa, còn các hậu vệ cũng sẵn sàng hỗ trợ tấn công. Khi ông nói "toàn đội di chuyển cùng nhau" có lẽ điều đó mang một ý nghĩa khác ở Italia?

"Có thể, nhưng tôi xin nhắc lại: trong mùa giải đầu tiên chúng tôi đã về nhì."

Nhưng Dennis không có mặt trong đội hình đó. Anh ấy chỉ đến Inter trong mùa giải thứ hai của ông.

Có lẽ vậy. Tôi không nhớ nữa. Nhưng điều quan trọng chúng ta cần nhớ là trong thời gian ấy ý tưởng chi phối hàng đầu là chơi phản công. Điều đó lí giải tại sao bạn phải nhớ những con số khác nhau."

Vậy mối quan hệ giữa Dennis và Ruben Sosa thì sao? Trên các mặt báo thì nó thật tệ.

"Nói chung, tôi phải nói rằng có một sự khác biệt rất lớn giữa thực tế với những gì được nói trên báo chí, và còn lớn hơn 20 năm sau đó. Tôi thực sự không nhớ. Khi bị sa thải tôi không có bất cứ ghi nhớ nào về việc mình có vấn đề với các cầu thủ hoặc các cầu thủ có với nhau. Nhưng tôi nhớ Dennis chưa từng cảm thấy thoải mái và chưa từng tạo dựng một mối quan hệ tốt đẹp nào... thực ra là không tốt mà cũng chẳng xấu. Tôi không phải mẫu huấn luyện viên đến gặp các cầu thủ và nói: 'Hãy giúp những anh chàng này.' Nhưng tôi có cảm tưởng rằng các cầu thủ khác đã không giúp đỡ cậu ấy. Bản thân tôi cũng là một cầu thủ, vì thế tôi biết rõ những khuấy động trong phòng thay đồ. Nhưng theo tôi, không ai có ý định chống lại Bergkamp. Có lẽ mọi người nghĩ rằng cậu ấy là kiểu người như thế, nên họ để anh ấy một mình. Có lẽ họ tôn trọng mọi việc như thế, bởi họ nghĩ anh ấy là như thế, bởi cậu ấy thích được như thế hơn. Có lẽ đó là những gì các cầu thủ khác nghĩ. Điều đó lí giải tại sao họ không chấp nhận cậu ấy là người lãnh đạo."

Trên thực tế, vào năm 1994 sau khi ông bị sa thải, mọi việc không tồi tệ như Bagnoli nhớ. Trong 11 trận đấu cuối mùa giải, dưới sự dẫn dắt của Giampiero Marini, Inter thua 7 trận nhưng thắng 2 và chỉ cách các đội xuống hạng 1 điểm. Bên cạnh đó, Inter cũng giành được cúp UEFA bằng thứ bóng đá tấn công hơn, và Dennis là ngôi sao và vua phá lưới của giải đấu với 8 bàn ghi được. Khi chúng tôi cho Wim Jonk biết những gì Bagnoli nói, anh ấy khá ấn tượng. Anh nghĩ những nhận xét của Bagnoli "chân thành và gợi mở". Wim cũng nói: "Tôi cảm thấy lúc đó mọi việc đúng là như thế, đã không có ai nói với Bagnoli về phong cách chơi bóng khác. Chúng tôi có thể làm gì? Chúng tôi có nên yêu cầu nói chuyện với huấn luyện viên? Nhìn lại mọi việc thì có, chúng tôi nên làm thế. Nhưng lúc đó chúng tôi nghĩ: nếu Inter đã tốn nhiều tiền như thế cho 2 cầu thủ, chắc hẳn họ phải có một ý tưởng, một mục đích hay một kế hoạch nào chứ? Nhưng không hề. Nỗi sợ hãi thống trị ở Inter. Đội bóng có nhiều tiềm năng và rõ ràng nó có thể đưa chúng tôi đến một con đường hoàn toàn khác." Wim cho rằng chính các cầu thủ lớn tuổi hơn có tư duy bóng đá khác so với thế hệ trẻ. "Vậy là tôi và Dennis bị mắc kẹt giữa hai thế giới: bóng đá truyền thống kiểu Ý và bóng đá hiện đại"


Anh nghĩ sao về tất cả những điều đó, Dennis?

Dennis: "Tôi nghĩ Wim nói đúng."

Anh ấy nói quyền lực trong đội bóng nằm trong tay những cầu thủ lớn tuổi như Bergomi và Ferri.

"Điều đó anh ấy cũng đúng. Họ nói gì thế?"
*******************
Beppe Bergomi (iii) là một người ấn tượng và cởi mở. Và dĩ nhiên, cựu hậu vệ vẫn là huyền thoại của các cổ động viên Inter. Anh ấy đã giành chức vô địch World Cup  khi mới 19 tuổi, chơi cho Inter suốt 20 năm. Và giờ anh là một bình luận viên truyền hình, nổi tiếng với việc thể hiện cảm xúc khi trận Bán kết World Cup 2006 kết thúc. Italia ghi 2 bàn thắng muộn để vượt qua Đức và tiến đến trận Chung kết ở Berlin. Ông hét: "Andiamo a Berlino!!" (Chúng ta sẽ đến Berlin!). Hệt như Kenneth Wolstenholme năm 1966 hay Jack van Gelder phát điên khi Bergkamp ghi bàn vào lưới Argentina (*).

Bergomi sống trong một căn hộ gần sân San Siro. Khi nhìn thấy mọi thứ được sắp xếp như thế nào trong căn nhà, bạn chợt nhận ra sự cởi mở rất quan trọng với anh ấy...

Tại sao mọi việc ở Inter lại trở nên tồi tệ đối với Dennis như thế?

Bergomi: "Cũng chỉ là tương đối. Khi gia nhập Inter, cậu ấy còn rất trẻ nhưng đã có màn trình diễn tuyệt vời ở cúp UEFA mùa giải 1993-94. Cậu ấy là nhân tố chủ chốt của chúng tôi trong thành công năm đó. Vì thế nếu nói mọi việc trở nên tồi tệ thì chỉ đúng phần nào. Trong chiến dịch cúp UEFA, cậu ấy thực sự là một cầu thủ giỏi, ghi 7 hay 8 bàn thắng gì đó. Nhưng trong đội, cậu ấy không được ủng hộ cho lắm. Đội bóng không giúp đỡ cậu ấy. Nhưng chúng tôi đã nhận ra chất lượng của cậu ấy."

Pellegrini đã hứa với Dennis rằng Inter sẽ thay đổi phong cách của mình sang bóng đá tấn công...

"Tôi không biết trong đầu ngài Chủ tịch hay huấn luyện viên nghĩ gì. Ở Italia lúc đó ai cũng cố sao chép chiến lược của Milan nhưng không thể, bởi vì đó thực sự là một sự thay đổi chiến lược trong triết lý bóng đá Italia. Chúng tôi đã cố nhưng về cơ bản không thể làm được. Vì thế chúng tôi quay trở lại với những gì chúng tôi biết. Trước thời Bagnoli, chúng tôi đã có 5 năm với Trapattoni và một năm với Orrico. [Năm 1991] Orrico đã thử sao chép mô hình của Milan nhưng đã thất bại hoàn toàn. Và dưới thời Bagnoli chúng tôi quay trở lai phong cách Trapattoni."

Hãy nói cho chúng tôi về Orrico?

"Ông ấy đã không thể thử nghiệm bởi vì ở Ý, cần có nhiều thời gian cho những thay đổi chiến lược này, và sau một năm ông ấy không nhận được kết quả nên đã ra đi. Một năm là không đủ để thay đổi chiến lược. Theo tôi nghĩ, Orrico đến với ý tưởng muốn thay đổi mọi thứ. Nhưng ý tưởng của ông thực chất là 3-2-3-2 (iv) giống như trước Thế chiến 2! Kinh nghiệm của ông chỉ giới hạn trong Serie B. Và thực sự thì sơ đồ WM kép này đã quá lỗi thời rồi, giống như Vittorio Pozzo (v) vậy. Chúng tôi chơi kiểu này trong 2 trận trước khi mùa giải chính thức khởi tranh và thậm chí không thể đánh bại các đội Serie C. Bạn chẳng có thời gian cho những thứ này ở Italia đâu! Hoặc chiến lược của bạn thành công ngay lập tức hoặc sẽ là một thất bại. Và Orrico thì không ngang tầm với Sacchi. Tôi không nhận ra khi còn chơi bóng nhưng giờ thì tôi đã tìm hiểu và nhận ra rằng vấn đề nằm ở chỗ ông ấy không hề hướng dẫn chúng tôi cách chơi như thế."

Chắc hẳn phải có một cú sốc văn hoá dành cho Dennis đến từ Ajax - anh so sánh cậu ấy thế nào với 3 người Đức mà Inter đã có trước khi Dennis đến?

"Tôi nghĩ khi một nhà vô địch thực sự đến, anh ta sẽ phải hoà nhập. Anh ta phải thể hiện tài năng của mình trong đội bóng, giống Matthaus, Brehme và Klinsmann đã làm. Và điều đó không hề dễ dàng. Matthaus và Trapattoni tranh cãi với nhau suốt. Họ là hai cá tính rất mạnh! [đập tay] Matthaus muốn đội chơi tấn công hơn. Họ tranh cãi về vấn đề đó. Và khi Trapattoni nói: 'Thôi được, tấn công' thì Matthaus lại lùi lại! Nhưng Matthaus có một tinh thần khác. Anh ấy sẽ nói: 'Ok, ngày mai chúng ta sẽ chiến thắng' và họ làm được. Dennis không có được tinh thần kiểu đó. Tôi biết ở Ajax bóng đá là giải trí và niềm vui. Tôi đã dõi theo Dennis từ khi cậu ấy còn trẻ. Sẽ rất khó khi bạn mang ai đó ra khỏi nơi ấy... bạn cũng có thể thấy được điều đó với những cầu thủ khác, Seedorf chẳng hạn. Ban đầu anh ấy gặp rắc rối ở Sampdoria, nhưng sau khi chuyển đến Madrid, anh ấy quay trở lại Italia và gặt hái thành công cùng với Milan. Nhưng [anh ấy] phải mất thời gian để hoà nhập. Sau thời gian với Ajax [việc hoà nhập] là rất khó. Bạn còn rất trẻ, với tinh thần rất khác và bạn cần kiên nhẫn. Còn Inter thì không đủ kiên nhẫn với Dennis, bởi vì Inter đã từ lâu không giành chiến thắng và họ cứ thay đổi chiến lược sau mỗi năm. Họ muốn những kết quả tức thì."

Như vậy, hẳn nhiên đó là một cú sốc văn hoá nhưng cũng không có sự khác nhau nhiều trong sự thành công hay thất bại của Dennis? Phần nào sai lầm có thuộc về anh ấy?

"Không. Tất nhiên cậu ấy có thể làm tốt hơn. Nhưng câu lạc bộ không đủ kiên nhẫn và Dennis cũng thế. Tôi muốn nhắc lại: trong chiến dịch cúp UEFA Dennis thật phi thường, và tôi nhận ra rõ ràng cậu ấy là cầu thủ xuất sắc nhất. Tôi thực sự ghi nhớ điều đó. Cậu ấy đã để lại một ấn tượng mạnh, đó là một dấu hiệu tích cực cho Inter. Nhưng theo quan điểm của tôi, vấn đề nằm ở chỗ anh ấy không thể - và họ không thể - truyền tải chất lượng của cậu ấy tới đội bóng.

"Những khó khăn lớn của Dennis đều là trên góc độ góc độ con người bởi có lẽ cậu ấy đã không thể chịu đựng nổi những áp lực đè nặng lên mình. Áp lực từ giới truyền thông... Thật khó khi đến từ một nền văn hoá khác. Chúng tôi cũng đã đi ăn cùng nhau. Chúng tôi đi chơi cùng nhau, tôi và câu lạc bộ đã cố giúp cậu ấy quen với khí hậu nơi này, với việc giúp đỡ [Wim] Jonk cũng thế. Dù sao thì Jonk cũng là một cá tính khác, dễ dàng hơn, nhẹ nhàng và hài hước hơn."

Dennis khá hướng nội khi anh ấy chưa biết người khác, nhưng rất vui vẻ, tinh quái và mở lòng khi cảm thấy thoải mái. Thực sự thì ở Arsenal, anh ấy là một tay pha trò của đội bóng.

Bergomi [nheo đôi lông mày nổi tiếng của mình đầy ngạc nhiên]: "Nhưng tôi nghĩ Dennis đã có thể cố gắng nhiều hơn để hoà nhập, để trở nên Ý hơn. Với chất lượng của mình, cậu ấy có thể làm nhiều hơn thế. Ví dụ nhé, khi Ronaldo gia nhập câu lạc bộ sau này, huấn luyện viên khi đó là Gigi Simoni và chúng tôi lại quay lại với hệ thống chiến thuật Italia thực sự: catenaccio, với một libero ở phía sau, chính là tôi, và để Ronaldo tự do một mình trên hàng công. Nhưng anh ấy đã chiến thắng vì Ronaldo đã thích nghi với hệ thống Italia."

Ronaldo là mẫu cầu thủ rê dắt bóng với rất nhiều kỹ thuật khéo léo - đó không phải phong cách của Dennis.

"Ronaldo là mọi thứ."

Dennis không thích chơi theo cách đó.

"Không, vấn đề là rất rõ ràng. Ronaldo có thể chơi sô-lô. Dennis là mẫu cầu thủ của đội bóng cần có các cầu thủ khác. Ronaldo thì không vậy. Chúng tôi đã giành được cúp UEFA năm 98 với anh ấy. Và chúng tôi đã làm được điều đó với một hệ thống chiến thuật Italia truyền thống."

Ý kiến của anh như thế nào về Ottavio Bianchi?

"Đã có một cuộc xung đột, và từ quan điểm của tôi thì những chỉ trích của Dennis là công bằng. Nhưng ở Italia, kết quả rất quan trọng. Bianchi lại thành công trong việc mang lại những kết quả. Miễn là làm được điều đó, người ta có thể cư xử theo cách mình muốn."

Việc mà Dennis không thích là Bianchi đối xử thiếu tôn trọng với người khác.

"Vâng, và Dennis hoàn toàn đúng và công bằng. Kiểu cư xử như vậy cũng không ổn ở Italia. Nhưng việc đó không đơn giản như vậy. Trên hết, Dennis đã có thể xử lí mối quan hệ đó tốt hơn. Và đến bây giờ tôi hiểu rằng Bianchi cũng đã có thể xử sự tốt hơn trong suốt mùa giải năm đó. Có thể không nên đánh tennis trong thời gian bữa trưa. Thay vào đó ông ấy nên cho đội bắt đầu bài tập thứ hai."

Ông ấy đã giao lại cho người khác phụ trách ư?

"Vâng, ông ấy giao lại cho trợ lý. Nhưng Bianchi thực sự là một cá tính mạnh, không phải một con người dễ dãi. Nói chung, với những người dưới quyền thì ông ấy chẳng phải là một ông sếp đáng mến. Nhưng tôi không thể nói chắc về những điều mà Dennis thấy."

Thế còn việc ông ấy nói về Maradona suốt thì sao?

"À, Bianchi đã nói rất nhiều về Maradona. Và rồi các cầu thủ khác trong đội cảm thấy tò mò, nên thỉnh thoảng đã hỏi ông ấy. Còn về chuyện khác, theo tôi thì Napoli trở nên hùng mạnh vì Maradona chứ không phải vì Bianchi! Rất rõ ràng."

Tại sao Dennis lại làm tốt hơn rất nhiều khi ở Anh?

"Ở Anh người ta không quen được xem các cầu thủ với tố chất kỹ thuật tuyệt vời như Bergkamp hay Zola. Giải đấu ở Anh thiên về thể lực và có ít chất kĩ thuật. Vì thế họ đã rất vui mừng khi có được những cầu thủ này, những người đã mang đến một sự làn gió mới và một góc nhìn hoàn toàn mới về bóng đá. [Nhưng] ở Ý, bóng đá đã luôn rất kỹ thuật và chiến thuật. [Vào những năm '80 và '90] chúng tôi đã có những cầu thủ như Maradona, Careca, Van Basten, Gullit, Vialli. Mancini... toàn những nhà vô địch. Vì thế khi xem một cầu thủ nào đó như Dennis thì cũng chẳng phải một sự ngạc nhiên. Ở Ý, Zola không phải là một baronetto (**). Người ta thậm chí còn chẳng để anh ấy ra sân khi còn ở đây! Anh ấy bị coi là một cầu thủ bình thường ở Italia, còn ở Anh lại được coi như một cầu thủ 'phi thường'."


Anh có muốn đáp lời không Dennis?

"Trước tiên tôi muốn nghe Riccardo nói những gì."

Anh ta luôn chỉ trích Inter - và chỉ trích anh.

"Không vấn đề gì. Ta cứ thử xem sao!"
********************
Riccardo Ferri (vi) không hề xúc động bởi câu chuyện của Bergkamp về những lời thất hứa.

Ở Hà Lan, một lời hứa luôn là một lời hứa...

Ferri: "Và...? Coi nào, điều đó xảy ra ở khắp nới trên thế giới! Người ta hứa hẹn với tôi suốt, và chẳng bao giờ giữ lời. Cuộc sống không dừng lại khi bạn thất vọng. Tôi cũng phải đối mặt với sự thất vọng như thế với Pellegrini khi ông ta hứa tôi có thể chuyển đến Napoli và rồi sau đó tôi phải tới Sampdoria.

Vậy đó là một phần của bóng đá, ở khắp mọi nơi?

"Đó là một phần của cuộc sống! Tôi nghĩ đó là vấn đề của Dennis. Ý tôi là nếu con trai tôi thất vọng về điều gì đó, tôi sẽ nói: 'Ok, nhưng đó chẳng phải ngày tận thế'."

Nhưng những chỉ trích của Dennis về Inter mạnh mẽ hơn nhiều.

"Thật ngớ ngẩn khi câu lạc bộ lại hứa với Dennis điều đó, bởi vì theo quan điểm của tôi, trong một khoảng thời gian ngắn, thay đổi hoàn toàn phong cách chơi bóng của một câu lạc bộ với chỉ 2 cầu thủ là điều không thể. Bagnoli là một huấn luyện viên giỏi, nhưng ông ấy không bao giờ có thể là một trasformista (vii). Nhưng vấn đề lớn nhất đó là Inter muốn cạnh tranh với Milan, nhưng họ đã cố gắng làm điều đó quá nhanh mà không xây dựng nền tảng. Họ chỉ muốn có kết quả nhanh chóng.

"Tôi sẽ sẵn sàng cho sự thay đổi, nhưng nó không thể nhanh như thế được. Bạn cần những người thông ngôn, những người hướng dẫn và bạn cần 2 hay 3 năm nữa chứ. Nhưng ở Ý điều này là không thể bởi vì bạn phải mang lại kết quả ngay lập tức, Mọi thứ đều ngắn hạn."


Cũng có những khó khăn về tài chính...

"Thời điểm đó chúng tôi ở dưới cái bóng của Milan và chúng tôi có ít tiền hơn. Đó là cuộc chiến Pellegrini vs Berlusconi, vì vậy trong khi chúng tôi có một đội hình với chỉ 14 người thì Milan có một đội hình với 22 cầu thủ đẳng cấp. Họ có một đội hình lớn hơn nhiều. Điều đó là rất quan trọng. Chúng tôi có 13 hay 14 cầu thủ tốt, nhưng phần còn lại cơ bản chỉ là những đứa trẻ như Tramezzani và Pagani. Milan có nhiều hơn thế. Thậm chí sau khi Gullit và Van Basten ra đi, họ vẫn còn đó Savicevic, Boban, Papin, Massaro...

"Nhưng vấn đề thực sự là đã chẳng có kế hoạch nào hết. Milan có một kế hoạch, nhưng ở Inter điều này chẳng bao giờ tồn tại. Inter không có ý tưởng nào. Ý tưởng ở Inter chỉ là "mua những cầu thủ giỏi về"... và họ chẳng thèm nghĩ xem những ngôi sao này thực sự sẽ chơi như thế nào. Ở Milan, các cầu thủ phù hợp với triết lí của Arrigo Sacchi: Tassotti, Baresi, Maldini, Costacurta, Gullit, Van Basten, Rijkaard... tất cả bọn họ đều phù hợp với ý tưởng chơi bóng pressing và tấn công. Như vậy Milan mua cầu thủ để phục vụ ý tưởng chiến thuật kèm người khu vực [của Sacchi]. Còn Inter không thế! Bergkamp là một tài năng, một tài năng lớn. Nhưng chẳng có hệ thống nào được xây dựng quanh cậu ấy để phát huy sở trường của cậu ấy. Toàn bộ ý tưởng thật tồi! Bergkamp là một niềm hy vọng lớn, nhưng cậu ấy không phải là Ronaldo hay Maradona, những cầu thủ có thể tự mình tạo ra điều gì đó. Họ có thể tạo ra sự khác biệt ở Ý. Dennis thì không.

"Mỗi năm Inter đều mang về một cầu thủ lớn, kiểu như Rummenigge (viii). Đó chính là 'triết lí' của Pellegrini: mỗi mùa mua một cầu thủ ngôi sao để cạnh tranh với Milan! Nhưng điều này không phải là một phần của chiến lược. Inter vẫn như vậy. Vẫn thiếu những mục đích và thiếu một kế hoạch. Họ vẫn có ý tưởng đó: mua ngôi sao về và chẳng biết cách để gắn kết những ngôi sao ấy với nhau. Hãy nhìn vào quãng thời gian 3 năm của Mourinho. Khi Inter giành chiến thắng trong trận Chung kết Champions League 2010, Inter vượt trội hơn Bayern rất nhiều. Và kể từ đó Inter đã tiêu 140 triệu euro và giờ họ đang ở đâu? Chẳng phải top trên của bảng xếp hạng và cũng chẳng đâu trong Champions League cả. Thất bại! Cùng thời gian đó, Bayern tiêu 135 triệu euro - ít hơn Inter 5 triệu. Và giờ Bayern đang là đội bóng hay nhất châu Âu. Vậy đấy, điều gì xảy ra chỉ trong vòng 3 năm: thảm hoạ cho Inter! Điều đó hệt như khi Dennis tới đây. [Chủ tịch Inter, Massimo] Moratti chẳng bao giờ có kế hoạch nào, Jose Mourinho và Roberto Mancini đã tự lên kế hoạch của mình. Họ là những huấn luyện viên có khả năng lãnh đạo. Vậy là chúng tôi đối mặt với những thứ như này: không tầm nhìn, không có sự lãnh đạo từ Moratti, nhất là kể từ khi [Giacinto] Facchetti chết."

Và đâu là vị trí của Dennis?

"Các cổ động viên kỳ vọng Dennis sẽ giống như Van Basten. Nhưng nếu Van Basten đến Inter còn Dennis đến Milan thì mọi việc đã khác. Dennis sẽ trở thành ngôi sao ở Milan và Van Basten cũng có thể thất bại ở Inter. Anh ấy cũng sẽ không thể làm tốt hơn Dennis trong khoảng thời gian đó."

Nhưng anh cũng cho rằng Dennis quá trẻ, nhút nhát và ít giao tiếp xã hội để trở thành cầu thủ lớn mà lẽ ra anh ấy phải trở thành. Sosa cũng nói rằng anh ấy "kỳ lạ và cô độc" trên mặt báo.

"Ha ha! Điều đó đúng mà! Không phải là một câu sỉ nhục. Ruben Sosa là một chàng trai Mỹ La-tinh, còn Dennis đến từ phương Bắc. Không phải người Viking, nhưng, anh biết đấy, thực sự đến từ phương Bắc. Cũng giống như Jonk. Dennis tìm một căn nhà xinh đẹp và anh muốn ở đó với vợ. Chúng tôi đã từng mời vợ chồng Dennis, và Jonk cùng với vợ hay bạn gái của anh ấy: 'Hey, đi chơi và ăn uống với chúng tôi nhé! Đi ăn tối với chúng tôi!' Nhưng họ chẳng bao giờ đến. Chẳng bao giờ! Chẳng bao giờ! Chúng tôi có một chiếc thuyền nhỏ xinh và chúng tôi mời họ tới, nhưng Dennis chỉ ở nhà ở Civate. Chúng tôi thấy anh ấy khá lãnh cảm. Mọi người trong đội bóng đều thử nhưng anh ấy vẫn lạnh nhạt. Anh ấy không giao tiếp với chúng tôi. Sosa thì trái ngược hoàn toàn. Anh ấy rất nhiệt tình, và thân thiện, simpatica, anh biết chứ? Hài hước và thân thiện, đi ăn với chúng tôi, hát hò, khiêu vũ... chúng tôi cũng tới nhà anh ấy và ăn tối, hát hò nhưng chẳng bao giờ có mặt Dennis. Dennis và Jonk chẳng bao giờ đến. Thực tế tôi ở cùng phòng với Jonk trong một khoảng thời gian. Tôi thân thiện và nói nhiều, nhưng chẳng biết tại sao họ luôn để tôi ở cùng phòng với những người nhút nhát như thế!"

Trên sân bóng thì Sosa và Dennis phối hợp ra sao?

"Về mặt chiến thuật, tôi nhớ là cậu ấy và Ruben Sosa không hợp nhau. Dennis cần một mẫu cầu thủ khác. Ruben Sosa rất kỹ thuật nhưng lại chỉ thích dứt điểm. Anh ấy dắt bóng, lao lên phía trước và sút. Anh ấy là một cầu thủ theo chủ nghĩa cá nhân. Bergkamp thì cần người phối hợp... Boom! Boom! Boom!... những người chuyền bóng nhanh. Đã chẳng có sự phối hợp thực sự trong việc chuyền bóng. Inter không phải là một đội chơi chuyền bóng, bởi vì Bagnoli muốn triển khai bóng đến khung thành đối phương chỉ trong 3 hay 4 đường chuyền. Nhanh. Còn Dennis thì muốn chuyền bóng hơn. [Ở Inter], nó rất khác với thứ sở hữu bóng ở Ajax, thứ bóng đá chậm... rất chậm! ...doom... dooooom... dooom [những điệu bộ cực kỳ chán chường] .... chuyền chậm... dooom.... dooooom.... doom. Tôi không muốn chỉ trích Dennis hay nói rằng Ruben Sosa là hoàn hảo. Không hề. Nhưng Dennis là người ít nói, trong cuộc sống riêng tư cũng như trên sân bóng.

"Matthaus, Klinsmann và Brehme rất dễ giao tiếp, thân thiện, hướng ngoại, còn Gullit cũng giống thế, thậm chí cả Rijkaard, nhưng Van Basten thì không. Tôi chơi bóng cùng Gullit ở Sampdoria. Một người đáng mến. Tôi thân thiết với anh ấy."

Vậy là theo anh, Dennis chủ yếu gặp một "vấn đề về tính cách"?

"Đúng, đúng, đúng".

Vậy các cổ động viên và giới truyền thông thì sao?

"Họ đã khắc nghiệt và tàn nhẫn với Dennis, nhưng tôi thì đổ lỗi cho câu lạc bộ. Câu lạc bộ đã vẽ ra quá nhiều ảo vọng, giới truyền thông và các cổ động viên thì cứ theo đó mà hy vọng thôi. Câu lạc bộ nói: 'Với Dennis, chúng ta sẽ giành chiến thắng.' Họ đặt mọi trách nhiệm lên vai anh ấy. Điều đó lí giải tại sao truyền thông lại tấn công anh ấy. Việc đó là một sai lầm. Các cổ động viên thì bị câu lạc bộ và giới truyền thông dắt mũi. Họ kỳ vọng Dennis phải như Van Basten. Nhưng Van Basten thì có cả một đội bóng phía sau."

Vào đầu mùa bóng thứ hai của Dennis, anh đã chuyển đến Sampdoria và sau đó đã chơi cùng một người Hà Lan đến từ Ajax khác, Clarence Seedorf.

"Một chàng trai tuyệt vời!"

Điều khác biệt giữa họ là gì?

"Clarence cũng rất trẻ. Và anh ấy có vấn đề với [huấn luyện viên Sven-Goran] Eriksson, người bắt anh ấy chơi ở vị trí chạy cánh phải trong khi anh ấy lại muốn chơi ở trung tâm hàng tiền vệ. Nhưng anh ấy có tính cách khác với Dennis. Rất khác. Tính cách đó giúp anh ấy dễ thích nghi ở Italia hơn. Tôi là một người bạn rất tốt của Clarence. Tôi giúp anh ấy tìm nhà, mua một chiếc ô-tô. Người ta đã muốn lừa anh ấy khi mua ô-tô. Genoa, err? Những tên khốn! Nó chẳng phải một vụ mua bán tốt. Mẹ và chị gái Clarence đến xem anh ấy tập luyện. Họ ngồi trong xe đỗ bên cạnh sân tập, ăn những túi khoai tây chiên lớn... và bà mẹ rất to lớn... bà ấy chẳng thèm ra khỏi xe hơi! Điều chúng ta đang nói tới là sự khác biệt giữa trình độ đỉnh cao và chỉ đơn thuần là giỏi (***). Đó chính là sự khác biệt. Dennis là một cầu thủ lớn, nhưng không quá nổi trội. Với một tinh thần khác và một tính cách khác, có thể anh ấy sẽ trở thành một cầu thủ hàng đầu."

Ở Arsenal anh ấy là một cầu thủ hàng đầu. Họ yêu mến và khâm phục anh ấy. Các cầu thủ Pháp ở Arsenal, những người chơi cho đội tuyển quốc gia, nói rằng Dennis có thể sánh ngang và thậm chí giỏi hơn Zidane.

"Vâng, anh ấy nhanh hơn Zidane. Nhưng Zidane phóng khoáng hơn. Dennis là một cầu thủ có kĩ thuật hàng đầu, nhưng tính cách của anh ấy thì không. Anh ấy quá ít nói. Quá khép kín. Không giống Zidane."

Khép kín về văn hoá, hay như là một cá nhân?

"Tôi không rõ. Nhưng anh ấy có mọi thứ để trở thành một cầu thủ hàng đầu giống Zidane. Nhưng anh ấy cần phải mạnh mẽ hơn, phóng khoáng hơn."

Nhưng ở Luân Đôn, Dennis được ví như triết gia bóng đá hàng đầu. Anh ấy mở ra cánh cửa đến với điều gì đó lớn lao hơn. Anh ấy làm thay đổi bóng đá Anh! Anh ấy mang đến một tầm nhìn khác.

"Vâng. Ở Anh. Không phải ở đây. Vậy khi chơi cho đội tuyển quốc gia Hà Lan, anh ấy thể hiện thế nào?"

Tuyệt.

"Không. Bình thường. Một cầu thủ bình thường."

Suốt những năm '90, Hà Lan là một đội mạnh và đáng xem. Rồi Dennis giã từ đội tuyển năm 2000, và Hà Lan đi xuống.

"Ok, nhưng tôi không cho rằng anh ấy là nhân tố quyết định. Khi tôi nghĩ đến Hà Lan, thì những cầu thủ quan trọng nhất mà tôi nghĩ đến là Koeman, Seedorf... xa hơn nữa thì có Cruyff. Còn Bergkamp? Không. Không như Zidane. Lẽ ra anh ấy cũng là nhân tố then chốt, bởi anh ấy có tài năng giống như Zidane. Dennis không quan trọng đối với tuyển Hà Lan như đối với Arsenal."

Vâng, đáng ra Hà Lan phải giành chức vô địch World Cup 1998 và Euro 2000. Họ là đội giỏi nhất trong cả hai giải đấu.

"Họ cần những cầu thủ khác, với những tài năng khác. Dennis lẽ ra phải là một ngôi sao lớn hơn, giống như Zidane đối với tuyển Pháp. Zidane là cầu thủ nổi bật ở Juventus, Real Madrid, tuyển quốc gia Pháp. Anh ấy nổi bật ở bất cứ đâu. Luôn luôn. Luôn là người lãnh đạo, rõ ràng như vậy. Nhưng Dennis... điểm khác biệt là Zidane lãnh xướng nhiều hơn và thành công nhiều hơn... thể hiện nhiều hơn Dennis. Nhưng Dennis Bergkamp có những tiềm năng to lớn."

Những cầu thủ Arsenal nói rằng, các cổ động viên, giới truyền thông và thậm chí trên truyền hình chưa từng được chứng kiến những gì Dennis đã làm. Anh ấy không hề lôi kéo sự chú ý về mình, nhưng đối với họ, anh ấy rõ ràng là người lãnh đạo. Ví dụ, anh thậm chỉ chẳng thể thấy được sự hoàn hảo trong những đường chuyền của anh ấy. Chúng không chỉ tốt mà là hoàn hảo. Độ xoáy, độ chính xác [về mặt thời gian], độ nhanh... mỗi một đường chuyền là một 'miếng trứng cá muối' (ix), như Thierry Henry nói. Hoàn hảo.

"Vâng, Dennis có kỹ thuật tuyệt vời. Tài năng của anh ấy là không phải bàn cãi. Phi thường! Phi thường! Nhưng tính cách của anh ấy mới là vấn đề."

(to be continued)
----------------------
(i) Osvaldo Bagnoli (ảnh này chắc khi ông ấy còn trẻ, trông cứ như Michael Corleone ấy nhỉ? :D)

(ii) David Winner đã giữ nguyên văn tiếng Ý: 'bravo ragazzo', cũng có nghĩa tương đương 'a good guy'.


(*) Nào chúng ta cùng chiêm ngưỡng lại bàn thắng đỉnh cao của anh dzai thần tượng nào!

(iv) Sơ đồ 3-2-3-2 sẽ là như này chăng? 

(v) Vittorio Pozzo là huấn luyện viên mang lại 2 chức vô địch World Cup cho đội tuyển Italia (dưới thời nhà độc tài Mussolini). Và đây là sơ đồ chiến thuật metodo (2-3-2-3) của ông trong những năm đó:

(**) baronetto: Người dịch Google mãi nhưng không thể nào tìm được từ thích hợp. :(

(vi) Riccardo Ferri 

(vii) trasformista: có thể hiểu là "nhà cải cách" chăng?

(viii) Rummenigge

(***) Ý của Riccardo Ferri là trình độ của Dennis cũng bình thường thôi, còn của Clarence Seedorf mới là đỉnh cao. Nghe người khác chê bai thần tượng kể ra cũng lộn ruột =)).

(ix) Có lẽ trứng cá muối là một món ăn hảo hạng (đối với người phương Tây) nên mới có hình ảnh so sánh như vậy.
-----------------------
Personal comment:

Những cầu thủ chuyển đến một môi trường mới, với những sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá, chiến thuật của đội bóng... thật là khó khăn để nhanh chóng thể hiện mình. Anh dzai Dennis cũng vậy thôi.

Còn khó khăn hơn với anh, đó là bởi vì khi chuyển đến Inter, người ta đang loay hoay giữa hai con đường, hai tôn chỉ bóng đá. Tấn công như Milan của Sacchi, hay tiếp tục phòng ngự như Trapattoni? Vấn đề ở chỗ, người ta đã hứa hẹn thứ bóng đá tấn công. Đau lòng là như thế!

Sự thật luôn khác xa so với kỳ vọng. Luôn là vậy. Bóng đá cũng giống cuộc đời. Những hứa hẹn, và thất hứa. Những kế hoạch, và đổ vỡ... Người ta đã vẽ nên những ảo vọng quá lớn lao, để rồi khiến họ ê chề với thực tại.

Những ý kiến trái chiều (của Bagnoli, Bergomi và Ferri) đã giúp người dịch hiểu hơn về khoảng thời gian khá-tồi-tệ mà thần tượng phải đối mặt trên đất Ý. Người dịch cũng ghi nhận những ý kiến đó, vì như thế mới là khách quan, đa chiều, giúp mình hiểu hơn những khía cạnh khác.